Tại nhiều trường ĐH, CĐ, khi học các môn thí nghiệm xử lý nước thải và nước cấp, xử lý khí… sinh viên thường chỉ được học qua tài liệu, nhìn những bản vẽ thiết kế trong sách. Theo thạc sĩ Đông (giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường), điều này sẽ khiến sinh viên khó hiểu tường tận vấn đề, khi ra trường đến các công ty, xí nghiệp làm việc gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.
Thạc sĩ Lê Phú Đông hướng dẫn sinh viên về mô hình xử lý nước cấp
“Sinh viên học kỹ thuật mà chỉ đọc lý thuyết thì hơi đơn điệu, học mà không tiếp xúc thực tế thì không được. Ngoài thị trường thường chỉ bán những loại máy móc, đồ điện tử… chứ các loại mô hình mô phỏng thực tế thì phần lớn không có. Thế nên tôi nghĩ đến việc thiết kế, sáng tạo ra những mô hình ấy để có thể giúp sinh viên hiểu bài tốt hơn”, thạc sĩ Đông nói.
Bước đầu, thạc sĩ Đông tìm đến các nhà máy xử lý nước thải, các công ty lĩnh vực môi trường để ghi chép, vẽ lại mô hình xử lý nước thải. Sau đó, “người thầy sáng tạo” mò mẫm tài liệu và tự tay thiết kế bản vẽ, làm ra nhiều mô hình có ứng dụng cao. Có thể kể các công trình xử lý nước thải với nhiều phương pháp khác nhau: mô hình kỵ khí dòng chảy ngược xử lý bằng phương pháp sinh học, mô hình xử lý nước bằng phương pháp cơ học kết hợp hóa lý, mô hình Jartest và bùn hoạt tính. Có cả những mô hình xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn… được ứng dụng trong nhiều môn học chuyên ngành về lĩnh vực môi trường.
Sinh viên làm đề tài Nghiên cứu khoa học bên mô hình Jartest (xử lý nước thải) của thầy Lê Phú Đông
Đáng chú ý, hàng chục mô hình sáng tạo này đều được thạc sĩ Đông thiết kế, thực hiện từ những vật liệu tái chế như vỏ dừa, vật liệu nhựa, vỏ chai, hoặc những vật dụng có sẵn trong cuộc sống như nhôm, mica, ống nhựa… nhưng chuyển tải y hệt công nghệ ở các công ty, chỉ khác ở kích cỡ và quy mô nhỏ hơn. Nhờ vậy, trong những tiết học tham quan thực tế ở các công ty môi trường, sinh viên của khoa kỹ thuật hóa học và môi trường đã dễ dàng nhận biết và hiểu hơn về quy mô cũng như cách vận hành, xử lý nước thải. Điều này còn giúp sinh viên tự tin hơn trong những kỳ thực tập.
Không những giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, chính những mô hình sáng tạo của thạc sĩ Đông đã giúp nhà trường tiết kiệm nhiều chi phí. Như trên thị trường, mô hình Jartest có giá hơn 60 triệu đồng thì giá thực hiện mô hình của “người thầy sáng tạo” này chưa đến 10 triệu đồng. Nhiều mô hình khác cũng được thạc sĩ Đông thực hiện với chi phí ít hơn gấp hàng chục lần so với thị trường.
Theo nhiều sinh viên thì ngoài giờ giảng dạy trên lớp, thời gian còn lại chỉ thấy thầy Đông túc trực ở phòng thí nghiệm của khoa để mày mò chế tạo ra các mô hình giảng dạy. Nói về điều này, thạc sĩ Đông chia sẻ: “Tôi luôn muốn sinh viên giỏi hơn, tiếp thu bài tốt hơn, nên sáng tạo, nhiệt huyết làm những gì đem lại lợi ích cho sinh viên. Học kỳ nào tôi cũng đều đặn nghĩ ra những mô hình để sinh viên thỏa sức thí nghiệm, sử dụng. Nhiều sản phẩm làm vài tuần mới xong nên phải tranh thủ thời gian để làm. Thú thật là có thời gian tôi ở mãi trong phòng thí nghiệm, xem phòng thí nghiệm như là nhà để làm cho xong các mô hình”.
Những mô hình dạy học do thạc sĩ Đông sáng tạo đã được ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao, được ghi nhận là những sản phẩm thiết thực, ứng dụng trong giảng dạy. Bên cạnh đó, thạc sĩ Đông còn nhiều lần nhận giải thưởng cao trong các cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai.
sáng tạo, giảng viên, khoa học