Dưới mái trường

Tiến sĩ trẻ và bài thuốc cứu cây cao su khỏi bệnh nấm hồng

Vừa qua, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã có bài viết về hoạt động nghiên cứu chế tạo thuốc bảo vệ thực vật xử lý bệnh nấm hồng trên cây cao su ở tỉnh Đồng Nai bằng công nghệ Nano của Tiến sĩ Cao Văn Dư – Giảng viên Khoa Dược Trường Đại học Lạc Hồng cùng các cộng sự.

Tiến sĩ trẻ và bài thuốc cứu cây cao su khỏi bệnh nấm hồng

TS. Cao Văn Dư hiện đang làm công tác chuyên môn tại Khoa Dược - ĐH Lạc Hồng

Hiện nay, nấm hồng là loại bệnh gây hại cho nhiều loại cây trồng trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Nhiều loại cây công nghiệp và nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Cây tiêu, cà phê, cao su, sầu riêng, các loại cây cảnh như Lan đều mắc phải bệnh nấm hồng, do đó làm giảm sản lượng và chất lượng sản phẩm. Nguyên nhân của bệnh này là do nấm có tên khoa học là Corticium Salmonicolor Berk. & Br. gây ra.

Tiến sĩ trẻ và bài thuốc cứu cây cao su khỏi bệnh nấm hồng

Sản phẩm thuốc bảo vệ nano Ag- Zn chế tạo được

Để xử lý vấn đề trên, người ta thường sử dụng các biện pháp như bón phân cho cây và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có gốc validamicin (Validacin 5L, Vanicide 5SL…) hoặc hexaconazole (Anvil 5SC, Callihex 50SC…). Tuy nhiên, hiện tại các loại thuốc bảo vệ thực vật này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và rất nhiều vùng đã xảy ra hiện tượng lờn thuốc. Ngăn ngừa, phòng chống và chữa các bệnh cây trồng bằng các chất bảo vệ thực vật từ thiên nhiên hoặc từ việc áp dụng các công nghệ KHKT cao nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế là một yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã và đang chuyển hướng nghiên cứu sang công nghệ nano để tìm ra một loại thuốc vừa có tính hiệu quả vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu TS. Cao Văn Dư - Trường Đại học Lạc Hồng – Đồng Nai và PGS.TS Nguyễn Thị Phương Phong - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài nghiên cứu với mục đích là áp dụng công nghệ nano (đặc biệt là chế tạo ra hạt nano bạc, nano kẽm) để chế tạo ra một loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Đây là hướng đi mới và mang tính sáng tạo cao bởi tính diệt khuẩn, diệt nấm của các hạt nano bạc từ lâu đã được giới nghiên cứu khoa học công nhận. Hạt nano kẽm theo nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy hoạt tính khá cao, đồng thời kẽm cũng là nguyên tố vi lượng cho sự phát triển của cây trồng.

Nhóm nghiên cứu đã trải qua nhiều giai đoạn để thực hiện giải pháp nói trên. Trong đó lựa chọn đối tượng cây sao su để thử sản phẩm. Những nội dung quan trọng nhất có thể kể đến như:

- Chế tạo dung dịch keo nano bạc, nano kẽm bằng phương pháp khử hóa học với các loại hóa chất thân thiện môi trường.

- Xác định các đặc trưng lý hóa của sản phẩm chế tạo được bằng các kỹ thuật phân tích hiện đại như: UV-Vis, XRD, FE-SEM/EDS, TEM, DTA/TG.

- Phối trộn các sản phẩm dung dịch nano bạc, kẽm để chế tạo chất bảo vệ thực vật có độ ổn định và hiệu lực kháng nấm.

- Phân lập, nuôi thử nghiệm nấm hồng Corticium salmonicolor Berk. & Br. để nghiên cứu sinh vật và cung cấp nguồn nấm cho khảo sát tác động của các chất bảo vệ thực vật chế tạo được có nồng độ khác nhau lên sự sinh trưởng và phát triển của nấm bệnh.

- Khảo sát hiệu lực kháng nấm hồng Corticium salmonicolor Berk. & Br. trong phòng thí nghiệm, so sánh với các thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp nuôi trên đĩa thạch.

- Đánh giá hiệu lực kháng bệnh trên khu vực vườn ươm cao su thuộc tổng công ty cao su Đồng Nai theo phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả nghiên cứu đã được kiểm chứng và cho thấy: sản phẩm dung dịch keo nano bạc và nano kẽm có kích thước nhỏ và đồng đều, phân bố trong phạm vi kích thước từ 10 đến 40 nm, độ ổn định của sản phẩm là 6 tháng. Các mẫu sản phẩm cho hiệu lực kháng nấm hồng với hiệu quả 99 % sau 6 ngày, kết quả diệt nấm hồng là hoàn toàn chỉ sau 1 lần phun trực tiếp.

Đặc biệt, sản phẩm dung dịch keo nano bạc, nano kẽm cũng đã được chế tạo ở mẻ lớn đồng thời tiến hành trị bệnh nấm hồng trên vườn cây cao su khai thác tại Nông trường Ông Quế thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Kết quả theo dõi bệnh trên cây cho thấy, hiệu quả diệt nấm hồng của thuốc bảo vệ nano Zn-Ag và thuốc Validan 5SL đang dùng tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai là tương đương nhau. Kết quả này cũng tương tự khi được thực hiện trong phạm vi phòng thí nghiệm trước đó.

Sản phẩm thuốc bảo vệ nano Zn-Ag cũng đã được khảo sát độ độc trên thỏ tại Viện kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh thuộc Bộ Y tế. Kết quả cho thấy sản phẩm không có tính độc, độ độc k = 0,2 (không gây kích ứng da).

Tiến sĩ trẻ và bài thuốc cứu cây cao su khỏi bệnh nấm hồng

TS. Cao Văn Dư (bên phải thứ 2) tại lễ Vinh danh và trao giải khoa học

Kết quả của giải pháp có thể nói là mở ra một hướng đi mới cho lĩnh vực phát triển thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả trong điều trị bệnh nấm hồng nói riêng và các loại bệnh do vi khuẩn, nấm gây ra nói chung. Sản phẩm không chỉ có tác dụng trong việc điều trị bệnh mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường và người sử dụng.

T5L theo Lê Văn Nghĩa

tiến sĩ, Cao Văn Dư, khoa học, công nghệ Nano


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,236,074       6/489