Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Chữa bệnh từ củ sắn dây

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    Theo Đông y, củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc.      Thường dùng trong các trường hợp tiêu khát (đái tháo đường), cơ thể nóng nực, ngực bụng nóng bức muốn phát cuồng, nôn mửa, lỵ ra máu, tiểu trường không thông lợi và ngộ độc rượu.

   Ngoài ra, còn dùng chữa cảm sốt phong nhiệt, nhức đầu, mụn nhọt và phòng ngừa các loại rôm sảy do thời tiết quá nóng bức. Ngày dùng 12 -30gr sắn dây khô, sắc uống. Hoặc dùng 10 -16gr bột, pha với nước sạch để uống.

   Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn ọe: Bột sắn dây 12 g hòa đường uống; hoặc dùng cát căn 20 g, đậu ván (sao)12 g, giã giập, sắc nước uống trong ngày.

   Cảm sốt nóng, nôn ọe, khát nước, nhức đầu: Cát căn, sài hồ, chi tử, mỗi thứ 15-20 g, sắc nước uống trong ngày.

   Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120 g, gạo tẻ 15 g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.

    Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nóng, độc: Củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500 ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần.

   Viêm họng, viêm thanh quản cấp tính: Dùng dây sắn đốt chưa cháy hoàn toàn rồi đem tán bột, uống với nước.

   Vết thương chảy nhiều máu: Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương.

   Trị mụn trứng cá, mụn nhọt, hoặc uống nhiều rượu mà đi cầu ra máu, có thể dùng củ sắn dây 40gr, đậu xanh 20-30gr, hai thứ rửa sạch, nấu nước để uống hằng ngày.

   Ngộ độc rượu (uống quá nhiều rượu khiến tỳ vị thương tổn, khạc hoặc nôn ra máu, người phát sốt, tiểu tiện đỏ): Hoa sắn dây 30 g, hoàng liên 4 g, hoạt thạch 30 g (thủy phi), bột cam thảo 15 g; tán thành bột mịn, trộn với nước, hoàn thành viên, mỗi lần uống 3 g, chiêu thuốc bằng nước mát.    Thủy phi là thêm nước vào vị thuốc cùng tán, hoặc tán xong cho vào nước khuấy lên để bột thuốc lắng xuống; thường áp dụng khi bào chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại.

   Viêm ruột, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe do uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30 g, rau má 20 g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày.

   Trẻ sơ sinh miệng mím chặt, sùi bọt mép, không bú được: Lấy một đoạn dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, dùng khoảng 3-5 g bột hòa với sữa mẹ, nhỏ vào miệng trẻ. Làm như vậy vài lần trẻ sẽ mở miệng và bú được.

   Ngực nóng, thổ huyết không ngừng: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 500 ml uống.

   Khi uống bột sắn dây cũng như những thức uống mát khác trong thai kỳ, phụ nữ mang thai cũng cần phải lưu ý: nếu cơ thể bạn đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt nhưng nếu bạn thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì bạn không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể bạn làm bạn mệt mỏi hơn, cũng có một vài lưu ý với những thai phụ bị động thai mà do dạ con co bóp nhiều thì đặc biệt không được uống nước bột sắn và các loại nước có tính hàn cao.

   Hơn nữa cái gì nhiều quá cũng không tốt, vì thế bạn không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày. Bạn cũng không nên uống nước sắn dây sống mà bạn nên đun chín. Bạn chỉ nên cho 1 chút đường, không nên cho quá nhiều đường vì uống đường nhiều cũng không tốt cho thai kỳ.

   Bột sắn dây là 1 thức ăn mát, dùng trong mùa hè rất tốt, có tác dụng thanh nhiệt, chống táo bón, chống nhiệt miệng, vì vậy tốt cho cả trẻ em và người lớn. Quan niệm cho rằng sắn dây không tốt cho trẻ nhỏ là sai.

   Nguồn: sưu tầm từ bài viết trong báo y học cổ truyền


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,601,924       1/757