Đổi mới quản lý GD

Đảm bảo chất lượng  »  Đổi mới quản lý GD


Đổi mới quản lý giáo dục đại học tại trường Đại học Lạc Hồng

 

NGUT.TS. Đỗ Hữu Tài, TS. Nguyễn Văn Tân

Trường Đại học Lạc Hồng, {taidh,tannv}@lhu.edu.vn

Giới thiệu bài viết

            Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản  lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt” và trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Chính phủ đã xác định mục tiêu: “ Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện,…” (Chính phủ 2012). Thể hiện đổi mới quản lý giáo dục nói chung và đổi mới quản lý giáo dục đại học nói riêng là rất cấp thiết và cần làm ngay trong giai đoạn hiện nay.

            Trường Đại học Lạc Hồng là trường đại học đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Với vai trò đầu tàu trong lĩnh vực đào tạo đại học trên địa bàn, Lãnh đạo nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới quản lý giáo dục mang lại nhiều kết quả đã đạt được, trong đó có những thành tựu quan trọng, như vô địch cuộc thi Robocon Việt Nam 3 năm liền, năm 2010, năm 2011, năm 2012; Hạng Nhì quốc tế Robocon năm 2010 tại Ai Cập, hạng Ba quốc tế Robocon năm 2011 tại Thái Lan và hiện nay đang đại diện cho Vệt Nam thi đấu Robocon quốc tế tại Hồng Kông diễn ra vào ngày 19/8/2012. Trường cũng đã chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu khoa học cho các đơn vị trên địa bàn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,… Trường Đại học Lạc Hồng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bậc thạc sĩ với 4 chuyên ngành, đó là Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính- ngân hàng và Quản trị kinh doanh (Đại học Lạc Hồng 2012e).

            Bài viết này tập trung giới thiệu những nét cơ bản về 10 nội dung đổi mới quản lý giáo dục đại học tại Trường Đại học Lạc Hồng trong những năm qua để có được những thành tựu như đã nêu trên. Cấu trúc bài viết bao gồm: Một là giới thiệu về Trường Đại học Lạc Hồng, hai là giới thiệu một số đổi mới quản lý giáo dục bậc đại học tại Trường Đại học Lạc Hồng trong thời gian qua và cuối cùng là kết luận và những hạn chế cần thiết phải tiếp tục đổi mới trong thời gian tới.

1. Giới thiệu Trường Đại học Lạc Hồng

Trường Đại học Lạc Hồng là trường đại học đầu tiên của tỉnh Đồng Nai, được thành lập vào năm 1997 theo quyết định của Thủ tướng chính phủ số 790/TTg ngày 24/9/1997 và đi vào hoạt động tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1997 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 3678/GD-ĐT ngày 13/11/1997 (Đại học Lạc Hồng 2012a). Trường Đại học Lạc Hồng là trường ngoài công lập nên mọi việc đầu tư đều tự lực từ nguồn vốn của nhà đầu tư, không có nguồn vốn nào khác.

Khi mới thành lập, Trường Đại học Lạc Hồng được giao đào tạo bậc đại học với 4 ngành đào tạo chính như Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Công trình, Kinh tế với 3 chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh, Tài chính Kế toán, Thương mại Du lịch (Đại học Lạc Hồng 2012b). Đến nay, số ngành đào tạo ở bậc đại học đã là 21 ngành bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, nhân văn,.. Và đặc biệt đến nay, Trường Đại học Lạc Hồng đã được phép đào tạo bậc thạc sĩ với 4 ngành, đó là Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính- ngân hàng và Quản trị kinh doanh (Đại học Lạc Hồng 2012e).

Năm đầu tiên, Trường Đại học Lạc Hồng đi vào hoạt động với một cơ sở ban đầu tọa lạc tại số 10 Liên tỉnh lộ 24, nay là số 10 đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long (Đại học Lạc Hồng 2012c). Đến nay, Trường Đại học Lạc Hồng có 5 cơ sở đào tạo nằm  trên địa bàn phường Bửu Long, 2 phân hiệu tại huyện Long Thành và huyện Thống Nhất, 1 khu nội trú với sức chứa 1000 chỗ, 1 khu thể dục thể thao với nhiều chức năng tích hợp, ngoài ra trường đang xây dựng cơ sở 6 chuyên về phòng thí nghiệm và thực hành cũng tọa lạc tại phường Bừu Long (Đại học Lạc Hồng 2012c).

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Lạc Hồng trong những năm đầu thành lập khoảng 1.000 sinh viên hệ chính quy mỗi năm. Đến nay quy mô đào tạo đã là 2.500 sinh viên hệ chính quy mỗi năm (Đại học Lạc Hồng 2011). Hàng năm, Trường Đại học Lạc Hồng cung cấp cho xã hội hàng ngàn sinh viên hệ chính quy bậc đại học và nhiều hệ học khác nhau.

Chương trình đào tạo đã được cải tiến hàng năm. Tỉ lệ giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo ở những năm đầu đào tạo là 9:1 và chủ yếu giảng dạy theo lối truyền thống. Đến nay, chương trình đào tạo của Trường Đại học Lạc Hồng đã được cải tiến theo hướng thay đổi tỉ lệ giữa lý thuyết và thực hành là 6:4, có môn 5:5 và chủ yếu giảng dạy theo hướng số hóa đối với khối ngành kinh tế, xã hội và nhân văn và sử dụng công nghệ nhúng là công nghệ thông tin chủ đạo vào các khối ngành kỹ thuật (Đại học Lạc Hồng 2012b).

Trường Đại học Lạc Hồng có được nhiều thành công như đã nêu trên là do công tác đổi mới quản lý giáo dục đại học được triển khai thực hiện theo hướng chủ động, tích cực từ cấp lãnh đạo cao nhất của nhà trường đến từng giảng viên, nhân viên và sinh viên trong toàn Trường. Đồng thời, Trường còn nhận được nhiều sự hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần từ Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Tỉnh.

2. Công tác đổi mới quản lý giáo dục bậc đại học tại Trường Đại học Lạc Hồng

Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 của Thủ tướng Chỉnh phủ (Chỉnh phủ, 2010) và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 để thực hiện nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 13/01/2010 của Ban Cán sự Đảng về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2010). Cụ thể là Lãnh đạo nhà trường đã xây dựng chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012 tại văn bản số 30/ĐHLH, ngày 04/5/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đại học Lạc Hồng 2010). Theo đó, Nhà trường đã xây dựng chương trình hành động với 10 nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, Tổ chức nghiên cứu và thảo luận trong toàn trường về nội dung “làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”. Việc này đã được thực hiện bởi phòng Đào tạo và phòng Kiểm định chất lượng vào tháng 5/2010. Kết quả cho thấy, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho Trường. Như tổ chức hội thảo với doanh nghiệp về ngành nghề và các yêu cầu cần thiết của ngành nghề, đặc biệt là hội thảo với các công ty có vốn nước ngoài. Xây dựng chuẩn đầu ra chất lượng cao theo từng ngành từ đó xây dựng bài giảng chất lượng cao tương ứng. Mở rộng hoạt động tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trong từng ngành cụ thể, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học…. Đến nay, Nhà trường đã từng bước thực hiện các yêu cầu trên một cách cơ bản để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Hai là, Hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học. Việc này đã được thực hiện bởi phòng Tổ chức- Hành chính vào tháng 5/2010. Kết quả cho thấy, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học trong nhà trường đã được cụ thể hóa và đưa lên trang thông tin điện tử của Trường tại địa chỉ www.lhu.edu.vn.

Nguồn: Xử lý của tác giả từ www.lhu.edu.vn

Hình 1: Hệ thống văn bản được đưa lên Website của Trường Đại học Lạc Hồng

Ba là, thực hiện đổi mới quản lý trong Nhà trường. Lãnh đạo Nhà trường đã xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban giám hiệu, Đảng ủy và các đoàn thể trong Trường. Lãnh đạo Nhà trường đã phân cấp quản lý một cách hợp lý giữa Ban giám hiệu và các phòng, ban, khoa trong trường. Lãnh đạo Nhà trường cũng đã chỉ đạo xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử phục vụ cho việc hành chính và học tập. Việc này giao cho Trung tâm thông tin tư liệu của trường thực hiện. Đến tháng 7/2011, trang thông tin điện tử của Trường xếp hạng 7/71 trường đại học của Việt Nam và nằm trong top 100 trường đại học ở Đông Nam Á có hệ thống website tốt nhất.

Nguồn: Xử lý của tác giả từ website http://www.webometrics.info (7/2011)

Hình 2: Xếp hạng thứ 7 của Trường Đại học Lạc Hồng tại www.webometrics.info

Bốn là, thực hiện qui chế  3 công khai theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và
Đào tạo. Theo đó, thứ nhất là công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Thứ 2 là công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chủ yếu công khai cơ sở vật chất và công khai đội ngũ giảng viên ; Cuối cùng là công khai tài chính, chủ yếu công khai về lộ trình thu học phí và mức đầu tư chi tiết cho công tác giảng dạy và học tập cho sinh viên, thực hiện các chính sách miễn giảm học phí và tín dụng cho sinh viên, chính sách khen thưởng và học bổng cho sinh viên. Việc này giao cho phòng Kiểm định chất lượng kết hợp với phòng Đào tạo, phòng Tài vụ và phòng Tổ chức – Hành chính thực hiện. Đến nay, định kỳ hàng năm, nhà trường thực hiện đều đặn qui chế 3 công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã đưa lên trang thông tin điện tử của Trường.

Nguồn: Xử lý của tác giả từ www.lhu.edu.vn

Hình 3: Hệ thống công bố 3 công khai trên Website của Trường Đại học Lạc Hồng

            Năm là, Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo đó, giao cho Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên thực hiện tổ chức gặp gỡ và thảo luận với các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Nai kể cả các doanh nghiệp nước ngoài để có hướng dự báo nhu cầu nhân lực và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Kết quả đã tổ chức ký kết được trên 600 hợp đồng cung ứng lao động, thực tập và thực hiện nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp. Tổ chức tại Trường được một buổi Hội thảo cho doanh nghiệp Nhật Bản, 1 buổi Hội thảo cho doanh nghiệp Hàn quốc, hàng chục hội thảo cho nhóm ngành Tài chính- Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Cơ điện, điện tử, Công nghệ thông tin, Công nghệ Hóa- Thực phẩm, Công nghệ Sinh học và Môi trường,…

Nguồn: Xử lý của tác giả từ www.lhu.edu.vn

Hình 4: Hệ thống của Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và HTSV trên Website

Sáu là, thực hiện củng cố và phát triển khu nội trú. Do nhu cầu ở khu nội trú ngày càng nhiều trong sinh viên, với khoảng 1000 chỗ ở cho sinh viên trong khu ký túc xá là chưa đủ, nên Lãnh đạo Nhà trường chỉ đạo cho Đoàn thanh niên kết hợp với khu nội trú tìm mọi cách để gia tăng số chỗ ở cho sinh viên ở xa. Kết quả, ký được hợp đồng dài hạn với Trường Cao đẳng Trang trí Mỹ Thuật với số chỗ tăng thêm là 500 chỗ. Ngoài ra, Nhà trường còn tiến hành ký kết hợp đồng với một số chủ nhà trọ có số lượng phòng trên 10 phòng, nhằm ổn định tiền phòng, tiền sinh hoạt cho các em sinh viên và đảm bảo giới thiệu sinh viên đến ở các nhà trọ này và cam kết thực hiện an ninh trật tự trong khu nhà trọ. Lãnh đạo Nhà trường đã có kế hoạch cho việc xây thêm khu nội trú với sức chứa khoảng 3000 chỗ cho sinh viên vào năm 2015 tại phường Bửu Long.

            Bảy là, đổi mới quản lý và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong toàn trường. Theo đó giao cho phòng Nghiên cứu khoa học thực hiện việc hoàn thiện quy chế nghiên cứu khoa học của giảng viên và quy chế nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đến nay, qua nhiều lần góp ý và chỉnh sửa, phòng nghiên cứu khoa học đã hoàn thành 2 quy chế này và cũng đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trường tại địa chỉ http://lhu.edu.vn/?CID=189. Giao cho phòng Đào tạo thực hiện giảng dạy học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học cho toàn bộ sinh viên của Trường nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Đến nay tất cả sinh viên của Trường đã được hướng dẫn học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học với số tín chỉ là 2 tín chỉ, nội dung chủ yếu và cung cấp cho sinh viên kiến thức tư duy trong nghiên cứu khoa học, cách thức tìm kiếm chủ đề nghiên cứu, vận dụng nhiều kiến thức khác nhau để giải quyết vấn đề. Tăng cường phần mềm chuyên dụng xử lý số liệu nhằm số hóa các đề tài nghiên cứu cho khối ngành kinh tế, xã hội và nhân văn. Đồng thời tăng cường công nghệ thông tin trong các khối ngành kỹ thuật.

            Tám là, nâng cao hoạt động sư phạm của Nhà trường. Giao cho phòng Đào tạo thực hiện công bố chuẩn đầu ra theo hướng chất lượng cao. Kết quả là qua nhiều lần góp ý và chỉnh sửa, đến nay Chuẩn đầu ra của trường đại học Lạc Hồng được cho là hoàn thiện nhất từ trước đến nay với sự góp ý của nhiều doanh nghiệp, sở ban ngành trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức Hội thảo tại trường, gửi thư góp ý, công bố công khai góp ý qua mạng thông tin điện tử của Trường,….

Nguồn: Xử lý của tác giả từ www.lhu.edu.vn

Hình 5: Hệ thống chuẩn đầu ra công bố trên Website của Trường Lạc Hồng

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Công đoàn Trường còn xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy trong giảng viên cơ hữu bằng các phong trào thi đua, sáng kiến và có chính sách đào tạo nâng cao đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước, chủ yếu là đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2014 tất cả giảng viên đứng lớp tại Trường Đại học Lạc Hồng phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Kết quả thực hiện, đến nay, Trường Lạc Hồng đã thực hiện được 8 Hội nghị nghiên cứu khoa học của giảng viên, 3 Hội nghị sáng kiến kinh nghiệm của nhân viên, trên 50% giảng viên và nhân viên nhà trường học Thạc sĩ trong đó có nhiều giảng viên tham gia chương trình học bổng của nước ngoài như Đài Loan, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

            Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tài liệu học tập ngoại văn, mỗi giảng viên lên lớp phải có giáo trình riêng và bài giảng do giảng viên soạn theo chuẩn đầu ra chất lượng cao của Trường.

            Ngoài ra, thực hiện sinh viên đánh giá giảng dạy của giảng viên và nhân viên đánh giá cách thức quản lý của lãnh đạo nhà trường. Giao cho phòng đào tạo kết hợp với Trung tâm thông tin tư liệu và phòng Kiểm định chất lượng thực hiện việc soạn thảo bảng câu hỏi, đưa bảng câu hỏi lên hệ thống mạng và xử lý số liệu khảo sát. Kết quả 100% sinh viên được đánh giá giảng dạy của giảng viên qua Hệ thống trang thông tin điện tử của Trường.

            Chín là, chủ động thực hiện đào tạo đội ngũ giảng viên. Ngay từ khi thành lập, Lãnh đạo trường đã chủ động trong việc tạo nguồn giảng viên cho chính mình. Từ việc đào tạo trong nước cho đến việc đưa đi đào tạo nước ngoài. Nhà trường thực hiện chính sách chọn sinh viên giỏi của các ngành ở lại trường và đưa đi đào tạo. Chính sách áp dụng trong trường hợp này là học tiến sĩ nhà trường hỗ trợ 30 triệu đồng, học thạc sĩ nhà trường hỗ trợ 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu đi học 100% thời gian thì được hưởng 100% lương cơ bản và các chính sách thi đua khác. Đi học mà có tham gia làm việc tại trường thì hưởng 100% thu nhập. Kết quả đến nay, lực lượng giảng viên của nhà trường đã chủ động được hơn 70% chương trình đào tạo, có ngành đã chủ động trên 90% chương trình đào tạo.

            Mười là, thực hiện đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Ở mỗi khoa, Nhà trường khuyến khích hình thành các câu lạc bộ phù hợp với chuyên ngành. Đến nay, Nhà trường đã hình thành trên 10 câu lạc bộ chuyên ngành nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc học tập chuyên ngành đồng thời thông qua các câu lạc bộ đào tạo cho các bạn sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết cho chuyên ngành, đặc biệt là tin học và ngoại ngữ. Đồng thời, Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai và thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ tại Trường Đại học Lạc Hồng giai đoạn 2012- 2020” (Trường đại học Lạc Hồng, 2012d). Từ đó nhà trường đã có kế hoạch rõ ràng và chi tiết cho từng khoa theo từng giai đoạn trong việc phát triển tiếng Anh cho sinh viên (theo yêu cầu của Nhà trường sinh viên tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra 400 TOEIC quốc tế). Theo kế hoạch thì đến năm 2015, trên 80% sinh viên giao tiếp tốt được tiếng Anh với người nước ngoài và có khả năng xâm nhập sâu vào các công ty đa quốc gia trên địa bàn.

3. Kết luận và kiến nghị

            Đổi mới quản lý giáo dục đại học là nhiệm vụ thường xuyên và kiên trì của lãnh đạo, giảng viên, nhân viên và sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng. Để thành công trong đổi mới cần có sự góp ý chân thành và hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các sở ban ngành của Tỉnh.

            Với tinh thần chủ động trong đổi mới, Trường Đại học Lạc Hồng đã thực hiện một loạt những đổi mới như: Tổ chức nghiên cứu và thảo luận trong toàn trường về nội dung “làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”, hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, thực hiện đổi mới quản lý trong Nhà trường, thực hiện qui chế  3 công khai theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện củng cố và phát triển khu nội trú, đổi mới quản lý và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong toàn trường, nâng cao hoạt động sư phạm của Nhà trường, chủ động thực hiện đào tạo đội ngũ giảng viên, thực hiện đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.

Trên đây chỉ là những đổi mới mang tính bước đầu của riêng Trường Đại học Lạc Hồng. Tuy mới là bước đầu trên con đường đổi mới, nhưng những kết quả đạt được của Trường Đại học Lạc Hồng đáng được trân trọng và biểu dương, bên cạnh đó, còn rất cần có những đổi mới sâu và rộng hơn trong toàn ngành Giáo dục của tỉnh Đồng Nai. Nếu có được sự đổi mới mạnh mẽ hơn, nhóm tác giả tin chắc rằng ở Đồng Nai sẽ có một môi trường giáo dục mạnh nhất trong cả nước và trong khu vực Chân Á.

            Tóm lại, Trường Đại học Lạc Hồng đã có nhiều cố gắng đổi mới quản lý giáo dục đại học trong thời gian qua. Tuy nhiên, do nguồn lực có giới hạn, nên việc đổi mới vẫn chưa toàn vẹn, chưa hoàn hảo, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục thực hiện đổi mới trong thời gian đến. Chính vì vậy, nhóm tác giả bài viết này mong muốn nhận được sự góp ý chân thành của các nhà nghiên cứu, các quý vị lãnh đạo các sở ban ngành, các vị lãnh đạo các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và trên hết là Quý lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhằm xây dựng Đồng Nai có một trường nổi danh như Harvard./.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), “Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ”, Thông tư số 10/TT-BGDĐT ngày 28/02/2011, Hà Nội;

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010a), “Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết 05-NQ/BCSĐ”, Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010, Hà Nội;

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010b), “Đổi mới quản lý GD ĐH giai đoạn 2010-2012”, Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010, Hà Nội;

[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010c), Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội;

[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), “Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GD của hệ thống GD quốc dân”, Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009, Hà Nội;

[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), “Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học”, Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2008, Hà Nội;

[7] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007a), “Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”, Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007, Hà Nội;

[8] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007b), “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa học vừa làm”, Quyết định số 36/2007/QĐ-BGDĐT ngày 28/6/2007, Hà Nội;

[9] Chính phủ (2012), “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”, Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 16/6/2012, Hà Nội;

[10] Chính phủ (2010), “Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012”, Quyết định số 196/CT-TTg ngày 27/02/2010, Hà Nội;

[11] Trường Đại học Lạc Hồng (2012a), “Lịch sử hình thành”, www.lhu.edu.vn,  truy cập ngày 11/7/2012, <http://www.lhu.edu.vn/?CID=446>;

[12] Trường Đại học Lạc Hồng (2012b), “Quá trình phát triển”, www.lhu.edu.vn,  truy cập ngày 11/7/2012, <http://www.lhu.edu.vn/?CID=446&NewsID=250>;

[13] Trường Đại học Lạc Hồng (2012c), “Cơ sở vật chất”, www.lhu.edu.vn,  truy cập ngày 11/7/2012, http://lhu.edu.vn/?CID=446&NewsID=249;

[14] Trường Đại học Lạc Hồng (2012d), “Thành lập Ban chỉ đạo triển khai và thực hiện Đề án: Dạy và học ngoại ngữ tại Trường Đại học Lạc Hồng giai đoạn 2012- 2020”, Quyết định số 430/QĐ-ĐHLH ngày 02/7/2012, lưu hành nội bộ.

[15] Trường Đại học Lạc Hồng (2012e), “Thông báo tuyển sinh cao học khóa 4”, www.lhu.edu.vn,  truy cập ngày 11/7/2012, http://www.lhu.edu.vn/?CID=482;

[16] Trường Đại học Lạc Hồng (2011), “Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, www.lhu.edu.vn, truy cập ngày 11/7/2012, <http://www.lhu.edu.vn/?CID=446&NewsID=252>;

[17] Trường Đại học Lạc Hồng (2010), Chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012, www.lhu.edu.vn, truy cập ngày 11/7/2012, http://www.lhu.edu.vn/?CID=155&NewsID=15466;



[1] Bài viết cho Hội thảo khoa học về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” tổ chức tại Đồng Nai ngày 18/7/2012.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  266,884       1/704