Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


BỆNH DẠI (phần 2)

 

 

1. Lâm sàng

1.1 Bệnh dại ở động vật

Virus dại có thể hiện diện ở nước bọt súc vật bị dại mà chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng, thời kỳ này thay đổi tùy theo các loài động vật và các dòng virus khác nhau. Ví dụ như ở chó khoảng 4-12 ngày, ở mèo khoảng 1 ngày, ở dơi khoảng 10 ngày.

Bệnh dại ở chó: Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 3 tuần đến 12 tuần nhưng có thể kéo dài từ 5 ngày đến 14 tháng. Bệnh biểu hiện dưới hai thể: thể hung dữ và thể bại liệt (hình 4).

  • Thể hung dữ chiếm 25% các trường hợp. Triệu chứng đầu tiên là thay đổi tính cách, sau đó khó nuốt, thè lưỡi thở, tiếng sủa bị thay đổi, chó có thể buồn bã nằm yên một xó hay luôn cắn bóng đớp ruồi. Sau đó chó rất bồn chồn bỏ nhà chạy quanh cắn cả những vật vô tri giác, sủa như rú, mõm chảy nước dãi, rồi chết.
  • Thể bại liệt: liệt hàm dưới gây há mõm, chảy nước dãi, liệt hai chân sau, hai chân trước, liệt hành tủy, không sủa, rồi tử vong.

Chó thường chết trong vòng 3 đến 7 ngày từ khi phát bệnh.

Mèo ít bị bệnh dại hơn chó. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó; mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục, cắn khi có người chạm vào.



 

26-08-2024 7-53-55 SA

Hình 4. Triệu chứng dại ở chó

1.2 Bệnh dại ở người

Thời kỳ ủ bệnh

Trung bình từ 20-60 ngày nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau. Thời kỳ ủ bệnh ngắn khi vết cắn ở mặt hoặc lây bệnh do ghép giác mạc.

Thời kỳ khởi phát, giai đoạn tiền triệu

  • Mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, bải hoải, sốt, đau cơ...
  • Cảm giác ngứa, đau hay dị cảm tại vết cắn hầu như đã lành.
  • Thay đổi tính tình: bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, lo lắng, dễ bị kích thích, mất ngủ, bứt
  • rứt hoặc trầm cảm.
  • Các triệu chứng ít gặp hơn như ho, ớn lạnh, đau họng, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu khó,...

Thời kỳ toàn phát

Biểu hiện dưới hai thể: thể hung dữ và thể bại liệt

Thể hung dữ

  • Hầu hết bệnh nhân đều sợ nước là do tình trạng co thắt cơ hô hấp. 
  • Cơn co thắt thanh quản và cơ hô hấp thường đột ngột và dữ dội, cổ và lưng bệnh nhân ưỡn ra, cánh tay vùng vẫy giơ cao lên. Ngoài ra bệnh nhân còn sợ gió sợ ánh sáng bóng láng hoặc khi ngửi phải mùi lạ.
  • Vì tình trạng tăng kích thích quá độ nên bệnh nhân thường lên cơn với biểu hiện do giác mất định hướng, hành vi kỳ quái, trốn chạy hoặc gây hấn với người chung quanh. Bệnh nhân lên cơn trong vài phút vùng vẫy cắn xé từng lúc, rú lên như chó sủa, thở dồn dập, đứt hơi và có thể tử vong trong cơn.
  • Bệnh nhân sốt cao 40°C, đồng tử dãn, đồng tử hai bên không đều, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp thế đứng. Tình trạng tăng tiết nước bọt đi kèm với tình trạng khó nuốt làm bệnh nhân khạc nhổ lung tung và sùi bọt mép.
  • Giữa hai cơn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, hợp tác tương đối tốt. Nhưng bệnh tiến triển nhanh chóng đến hôn mê hoặc ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Tử vong trong vòng hai đến bốn ngày sau khi lên cơn dại.

Thể bại liệt

Chiếm tỉ lệ 20% các trường hợp, thường gặp trên bệnh nhân đã được chích ngừa vắc xin sau khi bị súc vật dại cắn. Lúc đầu có thể dị cảm ngay vết cắn, đau cột sống, đau chỉ bị cắn, tình trạng liệt tiến triển lan tỏa lên chi trên, mất phản xạ gân xương. Bệnh nhân bị bí tiểu đại tiện, sau đó liệt cả cơ cổ, mặt, lưỡi gây sặc, liệt các cơ hô hấp, tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2 đến 20 ngày.

Hình 5. Triệu chứng dại ở người

  1. Cận lâm sàng
  • Phát hiện kháng nguyên (FAT)
  • Phân lập virus
  • Kỹ thuật sinh học phân tử (RT - PCR)
  • Phát hiện kháng thể (ELISA, RFFIT, FAVN) 
  1. Biến chứng

- Hệ hô hấp

  • Ngạt thở thiếu oxy và ngừng thở 
  • Viêm phổi, phế quản phế viêm.Tràn khí màng phổi.

Hệ tuần hoàn

  • Nhịp nhanh trên thất, nhịp chậm xoang, block nhĩ thất, bệnh nút xoang.
  • Hạ huyết áp, phù phổi cấp, suy tim, ở huyết là do viêm cơ tim.

Hệ thần kinh

- Tăng áp lực nội sọ do phù não hoặc đầu nước (hydroceplalus).

- Hệ tiêu hóa

Loét đường tiêu hóa do sang chấn (stress) gây tiêu ra máu.

  1. Chẩn đoán
  • Tiền sử bị súc vật dại cắn.
  • Triệu chứng lâm sàng
  • Kỹ thuật xét nghiệm đặc hiệu.
  1. Phòng ngừa

5.1 Cảnh giác với động vật có nguy cơ lây bệnh dại

Không bao giờ thử tiếp xúc, vuốt ve, ôm các con vật nuôi xa lạ không quen biết với mình hoặc các động vật hoang dại.

5.2 Kiểm soát động vật nghi dại

  • Đề phòng chó dại.
  • Diệt động vật, gia súc bị động vật dại cắn.
  • Đối với động vật nghi dại cắn người:
  • Bắt nhốt 10 ngày theo dõi.
  • Nếu động vật bị giết, đập chết, hoặc đã có triệu chứng dại, cần đem xét nghiệm xác định bệnh dại.

5.3 Dự phòng trước phơi nhiễm

Cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

Tiêm nhắc lại theo định kỳ: thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với virus dại.

5.4 Xử trí vết thương

Hình 6. Các bước xử trí vết thương sau khi bị xúc vật cắn

5.5 Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm 

Theo hướng dẫn của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), gồm các bước:

  1. Xử lí vết thương 
  2. Tiêm vắc xin phòng dại
  3. Tiêm huyết thanh kháng dại với vết thương độ III

Phân độ vết thương theo WHO

  • Độ I: Sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành
  • Độ II: Vết xước nhẹ, hoặc xước không bị chảy máu, liếm trên vùng da bị trầy xước
  • Độ III: Vết cắn/cào sâu, nhiều vết bị nhiễm nước dãi, gần thần kinh trung ương hay vùng có nhiều dây thần kinh

Bảng 1. Điều trị dự phòng dại sau phơi nhiễm theo phân độ vết thương

Tiêm huyết thanh kháng dại

- Nguyên tắc: Tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị phơi nhiễm và chỉ dùng 1 lần trong điều trị . 

- Tiêm phong bế tại vùng vết thương bị động vật cắn để huyết thanh kháng dại thấm sâu vào bên trong và xung quanh vết thương đến mức tối đa. Phần huyết thanh còn lại tiêm bắp sâu ở vị trí cách xa vị trí tiêm vắc xin dại.

Liều khuyến cáo:

  • Huyết thanh kháng dại có nguồn gốc từ người: 20 IU/kg cân nặng cơ thể.
  • Huyết thanh kháng dại có nguồn gốc từ ngựa: 40 IU/kg cân nặng cơ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh Truyền Nhiễm, nhà xuất bản Y Học, 2020.
  2. Quyết định 1622/QĐ/BYT năm 2014, Hướng Dẫn Giám Sát Phòng Chống Bệnh Dại Trên Người, Bộ Y Tế.
  3. Thomas P. Bleck Charles E Rupprecht. Principles and Practice of Infectious Diseases, 6th edition, 2005. Mandell, Douglas, and Bennett. Churchill Livingstone Inc. Chap160, pp 2047-2054.
  4. Cathleen A. Hanlon, Lawrence Corey. Rabies virus and other Rhabdoviruses. Harrison's Principles of internal Medecine 16th edition, 2005, pp 1155-1160
  5. Louis S. Binder (1992). Rabies. Emergency. Chap 84, pp 527-529.
  6. Abraham, S., Ravindran, J., Abishaw, N., Sandam, N. P., Thimmareddy, P., & Govindaraju, G. (2017). Review on rabies and vaccines. Int J Curr Microbiol App Sci, 6(12), 2064-85. 
  7. World Health Organization. Rabies vaccines and immunoglobulins: WHO position April 2018.
  8. https://vncdc.gov.vn/benh-dai-nd14503.html
  9. https://www.who-rabies-bulletin.org/site-page/virus-structure
  10. https://www.who.int/teams/control-of-neglected-tropical-diseases/rabies/epidemiology-and-burden
  11. https://www.pdsa.org.uk/pet-help-and-advice/pet-health-hub/conditions/rabies-in-dogs
  12. https://rabiesalliance.org/about/about-rabies/signs-and-symptoms-rabies
  13. https://rabiesalliance.org/about/about-rabies/can-rabies-be-eliminated

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  92,060       1/889